(VNF) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 4,8% từ ngày mai 10/5. Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2023, đây đã là lần thứ tư tăng giá điện.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mức giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8% từ mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), lên mức hơn 2.204 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Mức giá điện mới áp dụng chính thức từ ngày mai 10/5/2025.
Như vậy kể từ đầu năm 2023, EVN đã 4 lần tăng giá điện, lần lượt 3% 4,5%, 4,8% và 4,8%.
Liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 07, quy định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Luật Điện lực số 61 năm 2024.
Theo quyết định, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công thương có trách nhiệm tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Trước đó, tại tọa đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp"nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn:
Thứ nhất là giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện; chưa được khắc phục tình trạng mua cao bán thấp diễn ra trong nhiều năm.
Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu như hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội…
“Những mục tiêu này hội tụ trong giá điện có những xung đột, giằng co nhau. Để xử lý mối quan hệ, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu này trong giá điện là rất khó, một số mục tiêu không thực hiện được”, ông Thỏa nói.
Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.
Ông Thỏa cho rằng điều này khiến giá điện không được tính đúng, tính đủ sẽ lỗ, giá điện sẽ không phản ánh đúng giá trị của 1 kWh điện đã sản xuất ra.
“Như vậy, giá điện sẽ trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện; không tạo được áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ”, ông Thỏa nêu.
|Nguồn: vietnamfinance "Từ ngày mai, giá điện bán lẻ tiếp tục tăng thêm 4,8%"