Bộ Công Thương vừa có báo cáo tới Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về hoàn thiện dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu sau cuộc họp ngày 19-8.
Theo đó, Bộ Công Thương cho hay đã hoàn thiện khái niệm "tự sản tự tiêu" đối với điện mặt trời mái nhà, gồm bổ sung tỉ lệ bán lượng điện dư được bán lên lưới lượng điện không quá 20% tổng công suất theo chỉ đạo.
Hệ thống điện quốc gia mua điện dư, tối đa 20% công suất lắp đặt
Cụ thể, điện tự sản tự tiêu là điện được sản xuất, tiêu thụ do cùng một tổ chức, cá nhân thực hiện để phục vụ chính cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó. Bao gồm phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, phát dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia, nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế. Giá mua mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia của năm do bên mua và bên bán thỏa thuận, áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng, bảo đảm khuyến khích.
Về quy trình thủ tục, đối với người dân, hộ gia đình và khu vực công sở sẽ cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục hành chính đối với việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà thiết bị trên công trình hiện hữu.
Bộ cũng tiếp thu ý kiến liên quan đến quản lý vận hành. Trong đó, đối với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có công suất lắp đặt nhỏ hơn 100kW và lựa chọn bán điện dư lên lưới, đơn vị điện lực phối hợp, nghiệm thu hệ thống đo đếm và kết nối thông tin với thu thập dữ liệu đo đếm từ xa của đơn vị điện lực.
Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có công suất lắp đặt trên 100kW và không bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, đơn vị điện lực phối hợp, nghiệm thu hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ, và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối.
Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có công suất lắp đặt trên 100kW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, đơn vị điện lực phối hợp, nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối.
>> Xem thêm: Chính phủ ban hành Nghị định mới về cơ chế mua bán điện trực tiếp
>> Xem thêm: Nút thắt điện mặt trời mái nhà sắp được gỡ
Sẽ nghiên cứu chính sách đầu tư điện lắp đặt pin lưu trữ
Các đơn vị điện lực sẽ chịu trách nhiệm thực hiện theo dõi, kiểm tra vận hành công tơ điện tử và hệ thống kết nối với hệ thống thu thập dữ liệu từ xa của điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Đối với pin lưu trữ, phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu trong trường hợp đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng có thể mua 100% công suất điện dư và cho phép mua điện theo giá từng thời điểm.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị để nghiên cứu, đánh giá pin lưu trữ tại các dự án năng lượng tái tạo để đề xuất trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện 8.
Bên cạnh đó, bộ cũng đã giao các đơn vị nghiên cứu, xây dựng chính sách đầu tư phát triển điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng kết hợp với pin lưu trữ điện. Xác định tỉ lệ lắp đặt lưu trữ phù hợp về kỹ thuật, giá thành hợp lý của hệ thống điện. Sau khi có kết quả, bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Ngoài ra, phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu điều chỉnh ngay quy mô công suất đối với miền Bắc có thể lên tới 7.000MW và tính toán lại khả năng huy động cho TP.HCM, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2024 để xem xét quyết định.
Bộ Công Thương cho hay đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện xây dựng Quy hoạch điện 8 điều chỉnh.
Trong đó với nguồn điện mặt trời mái nhà sẽ rà soát, đánh giá việc triển khai quy hoạch để nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Nguồn: Tuổi trẻ online