Tin ngành

Tin ngành

Một tín chỉ carbon rừng của Việt Nam chỉ bán được 5 đô la, rừng Amazon bán được 1,5 đô la nhưng một tín chỉ carbon của đơn vị tái chế nhựa có khi bán được đến 100 đô la.
* Hiện nay, có dư luận cho rằng Việt Nam bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ là quá rẻ vì có nơi mua giá cao hơn. Có phải Chính phủ bán bị hớ?


- Không có căn cứ đánh giá 5 USD/tín chỉ là quá rẻ được. Giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường và tùy theo hình thức hình thành tín chỉ carbon.

Thị trường carbon có hai loại: thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc, giá một tín chỉ carbon ở hai thị trường này khác nhau.

Ở thị trường tự nguyện, các doanh nghiệp/các chủ thể tự nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính và mua tín chỉ carbon để đạt được mục tiêu này.
Hệ thống thiết bị đo các thông số không khí, môi trường để thu thập dữ liệu phát thải khí nhà kính tại một ruộng lúa ở Cần Thơ. Ảnh: TRẦN MINH HẢI

Ví dụ, các dự án giảm phát thải carbon từ trồng lúa, trồng dừa hay từ rừng. Với cây lúa hoặc cây dừa, muốn có tín chỉ carbon phải tác động bằng cách thay đổi biện pháp trồng trọt hoặc đầu tư công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính.

Phần khí thải nhà kính giảm sau khi đầu tư so với mức ban đầu (được đo đạc và chứng nhận) chính là lượng carbon giảm đi và quy đổi ra tín chỉ để bán (1 tấn carbon = 1 tín chỉ) .

Ở thị trường carbon bắt buộc, các cơ sở bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, thể hiện ở lượng hạn ngạch phát thải mà cơ quan quản lý phân bổ cho mỗi cơ sở.

Các cơ sở được phép mua bán trao đổi lượng hạn ngạch này trên thị trường. Ví dụ một doanh nghiệp sản xuất thép tạo ra 1.000 tấn CO2 mỗi năm.

Khi cam kết theo Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, doanh nghiệp thép này phải bù lại 1.000 tấn carbon giảm thải (quy đổi ra 1.000 tín chỉ) mỗi năm.

Nếu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thải carbon trong sản xuất để giảm được 800 tín chỉ, họ cần mua thêm 200 tín chỉ nữa (từ đơn vị trung gian) để bù lại. Việc mua tín chỉ carbon của doanh nghiệp thép chính là thị trường bắt buộc.

Chính phủ Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng là bán ở thị trường tự nguyện cho đối tác, họ mua số lượng lớn và mua theo cam kết của dự án. Đây là giá trung bình đối với loại tín chỉ carbon này.

Còn các doanh nghiệp ở thị trường bắt buộc liên hệ với các trung gian này để mua lại tín chỉ carbon, bên trung gian bán giá nào thì các doanh nghiệp phải mua theo giá đó.

* Vì sao tín chỉ carbon rừng Việt Nam chỉ được mua 5 USD/tín chỉ mà trên thế giới có loại tín chỉ carbon được mua đến 100 USD/tín chỉ?

- Đối với thị trường carbon tự nguyện, khi viết dự án phải thể hiện được phương pháp thực hiện, tổng mức đầu tư, cách đo lường và lĩnh vực đầu tư.

Quá trình thực hiện được ghi vào "nhật ký giảm phát thải". Có một đơn vị độc lập thẩm định căn cứ vào các thông số và cấp tín chỉ. Giá của 1 tín chỉ carbon phụ thuộc vào các khoản đầu tư này và lĩnh vực đầu tư.

Ở khía cạnh khác, có một số doanh nghiệp mua tín chỉ carbon rất cao ở những lĩnh vực được khuyến khích giảm phát thải như sản xuất nhựa, phân bón, thép.

Ví dụ, ngành tái chế nhựa không những thải lượng carbon rất lớn mà còn thải ra những khí độc khác ảnh hưởng đến môi trường và rất khó để giảm phát thải nên ngành này muốn giảm phát thải carbon thì giá mua một tín chỉ có khi lên đến 100 USD.

Với carbon từ dừa và rừng thì không có nhiều chi phí đầu tư nên sau khi tính toán chỉ ra giá 5-10 USD/tín chỉ. Các tín chỉ carbon từ rừng trên thế giới cũng chỉ bán được giá đó, có nơi thấp hơn như tín chỉ carbon của rừng Amazon chỉ bán có 1,5 USD/tín chỉ.


* Người dân và chính quyền đô thị có thể giảm phát thải khí nhà kính từ những hoạt động gì?


- Đối với đô thị, tín chỉ carbon đến từ những hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể như việc chuyển chuyển đổi xe chạy dầu và xăng sang chạy điện, xây dựng các công trình xanh, người dân sử dụng năng lượng điện tái tạo thay thế điện năng lượng từ than, nhiệt điện, trồng cây xanh, xử lý nước ao tù các kênh rạch...



Chính quyền có thể kết nối doanh nghiệp với các quỹ tài chính xanh để doanh nghiệp đầu tư sản xuất giảm phát thải. Ngoài ra, chính quyền cần khảo sát hiện trạng của các ngành cần khuyến khích khối tư nhân đầu tư giảm phát thải để kêu gọi doanh nghiệp tham gia.


* Có dư luận cho rằng thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam hiện nay bị một đơn vị tư nhân nước ngoài thao túng và dẫn dắt?


- Dư luận hiểu vậy là chưa đúng, để có được tín chỉ carbon bán, chúng ta phải trải qua một quy trình chung rất chặt chẽ.

Để đo đếm được lượng carbon thải ra môi trường để thu hay chi tiền thì phải có hai hệ thống độc lập là các đơn vị tư vấn và các đơn vị thẩm định.



Thế giới hiện nay có nhiều đơn vị tư vấn thực hiện dự án giảm phát thải nhà kính nhưng không nhiều đơn vị có chức năng thẩm định và cấp tín chỉ (không quá 100 công ty trên thế giới và có khoảng 20 công ty thẩm định, chứng nhận nổi tiếng và được nhiều nước trên thế giới tin tưởng) và thường là các đơn vị tư nhân.

Mỗi đơn vị thẩm định và cấp chứng nhận tín chỉ carbon có phương pháp đo đếm lượng carbon khác nhau. Tùy vào đơn vị thẩm định cấp tín chỉ, các đơn vị tư vấn sẽ tư vấn cho bên thực hiện dự án những phương pháp đo carbon phù hợp để bảo đảm dự án đạt kết quả cao nhất.

Trên thế giới hiện nay cũng có hiện tượng đơn vị tư vấn là công ty con hoặc "có bà con" với đơn vị thẩm định cấp tín chỉ carbon để chia sẻ kinh nghiệm và bảo đảm dự án đạt hiệu quả cao. Đối với các dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ, họ bắt buộc đơn vị tư vấn và đơn vị thẩm định phải độc lập với nhau.




Hiểu một cách nôm na, "bù đắp carbon" (carbon offsetting) là cơ chế thương mại cho phép người gây ô nhiễm triệt tiêu "dấu chân carbon" của mình bằng cách trả tiền cho các dự án giảm hoặc tránh phát thải khí nhà kính, phần lớn được thực hiện ở những khu vực kém phát triển hơn.

Logic tương tự được áp dụng cho tất cả các dự án tín chỉ carbon, chẳng hạn nhà máy năng lượng tái tạo, hoạt động bảo tồn rừng hay những chiếc xe điện của Tesla.

Theo một nghiên cứu năm 2022 do Đại học Birmingham (Anh) và Đại học Bergen (Na Uy) dẫn đầu, lượng khí carbonic trong khí quyển tăng lên sẽ khiến cây cối phát triển những bộ rễ dài hơn và nhiều hơn.

Bằng cách hấp thụ và lưu trữ nhiều carbon hơn, dường như giới thực vật đang và sẽ trông chừng con người chúng ta đến khi nào chúng còn có thể.

Nguồn:  https://tuoitre.vn/

Tin cùng chuyên mục

Zalo