Tin ngành

Tin ngành


Ngày 30/8/2021, Bộ Công Thương có Văn bản số 5321/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với Báo cáo Quy hoạch điện VIII sau khi đã rà soát.

 
Theo kế hoạch, sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
 
Dự thảo Quy hoạch điện VIII
 
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 29 tháng 5 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại các Thông báo số 91/TB-VPCP ngày 03 tháng 5 năm 2021, Thông báo số 189/TB-VPCP ngày 17 tháng 7 năm 2021 tại các cuộc họp về Quy hoạch điện VIII giao Bộ Công Thương rà soát và hoàn thiện Quy hoạch điện VIII với quan điểm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, cần lưu ý nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu các nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và bảo đảm sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội.

Quán triệt nghiêm các quan điểm chỉ đạo, Bộ Công Thương đã khẩn trương rà soát, phân tích và hoàn thiện toàn bộ nội dung của Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Nhiều nội dung rà soát đã có những thay đổi so với nội dung được nêu tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ tháng 3 năm 2021. Mặc dù vậy, dự thảo vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các định hướng lớn nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

 
Phụ tải điện sau rà soát được giữ nguyên các kết quả dự báo như trong Tờ trình số 1682/TTr-BCT. Theo đó, tăng trưởng điện thương phẩm kịch bản phụ tải cơ sở giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 8,52%/năm và 9,36%/năm trong kịch bản phụ tải cao là đảm bảo có độ dự phòng cần thiết trong quá trình phát triển điện lực giai đoạn tới.

 
Trong lần rà soát lần này, cơ cấu nguồn điện đã có một số thay đổi. Tổng công suất đặt nguồn điện trong phương án phụ tải cơ sở đạt 130.371 MW giảm khoảng gần 7.700 MW so với Tờ trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3 năm 2021 và trong phương án phụ tải cao, con số này lần lượt là 143.839 MW và 6.000 MW. Như vậy, tổng công suất đặt các nguồn điện đáp ứng các chỉ đạo đề ra trong Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị.

 
Dự thảo Quy hoạch điện VIII
 
Các nguồn điện năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên phát triển với tỉ lệ hợp lý, hài hòa giữa các miền, đảm bảo các tiêu chí kinh tế - kỹ thuật và vận hành, phù hợp với chương trình phát triển hệ thống điện tổng thể giai đoạn tới năm 2030. Năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ tăng từ mức khoảng 17.000 MW hiện nay lên tới 31.600 MW vào năm 2030, chiếm tỉ lệ khoảng 24,3% tổng công suất đặt toàn hệ thống.

Quy hoạch điện VIII hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các dự án nhiệt điện than tiếp tục triển khai là những dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phần lớn đã có chủ đầu tư được Bộ Công Thương đánh giá tính khả thi cao sẽ được kế thừa trong Quy hoạch điện VIII. Tổng công suất đặt các nguồn điện than trong phương án phụ tải cơ sở năm 2030 là 40.700 GW, thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15.000 MW.

Nhiều nhà máy điện than trên toàn quốc đã không được xem xét để phát triển trong thời gian tới tại các khu vực như Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu, Tân Phước… và được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường. Chính vì vậy, tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% năm 2030 trong kịch bản phụ tải cơ sở và khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao.

Quan điểm cân đối vùng miền, hạn chế truyền tải liên miền và kiên quyết không xây dựng thêm bất kỳ đường dây truyền tải liên kết miền nào đã được Bộ Công Thương tuân thủ nghiêm túc trong lần rà soát lần này. Chính vì vậy, một số nguồn điện có vai trò chạy nền đã được bổ sung thêm cho khu vực miền Bắc nhằm tăng cường khả năng cân bằng nội miền trong khi một số loại hình nguồn điện tại khu vực miền Trung và miền Nam đã được xem xét, đẩy lùi giai đoạn phát triển nhằm hạn chế tối đa việc truyền tải qua các lát cắt 500 kV từ miền Trung vào miền Nam và từ miền Trung ra miền Bắc.

Để Chính phủ và Bộ Công Thương không bị động trong công tác điều hành phát triển điện lực trong thời gian tới, Quy hoạch điện VIII lần này đã kiến nghị Chính phủ ủy quyền và giao Bộ Công Thương thường xuyên rà soát 6 tháng một lần tình hình triển khai các công trình nguồn điện, được phép điều chỉnh tiến độ phát điện đối với nhiều nguồn điện chậm tiến độ quá 24 tháng và điều chỉnh thay thế các dự án chậm tiến độ bằng các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện và tránh gây lãng phí, thất thoát đầu tư và giảm hiệu quả đầu tư các dự án điện.

Ngày 30 tháng 8 năm 2021, Bộ Công Thương có Văn bản số 5321/BCT-ĐL gửi các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với Báo cáo Quy hoạch điện VIII sau khi đã rà soát.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt./.
 
Giai đoạn trước 30/08/2021
 

Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

 
Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới.
 
Theo dự thảo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII), Quy hoạch điện này bao trùm các vấn đề trong phát triển của ngành Điện trong hiện tại và tương lai.

Cụ thể, về chương trình phát triển nguồn điện, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2GW (trong đó nhiệt điện than 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).

Năm 2045, tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW. Trong đó nhiệt điện than 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%.

Cũng theo Viện Năng lượng, cơ cấu nguồn điện cho thấy Quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của thế giới.

Về chương trình phát triển lưới điện, Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TP.HCM và Đồng bằng sông Hồng.

Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc - Trung - Nam.

Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong Quy hoạch điện VIII. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86GVA công suất trạm 500kV và gần 13.000km đường dây, giai đoạn 2031-2045 cần xây dựng thêm khoảng 103GVA công suất trạm 500kV và gần 6.000km đường dây. Lưới điện 220kV tương ứng cần xây dựng 95GVA và gần 21.000 km đường dây, 108GVA và hơn 4.000 km đường dây.

Viện Năng lượng tính toán, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới).

Tại Quy hoạch điện VIII, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã tính toán, phân tích, đánh giá đến các yếu tố tác động đến nhu cầu sử dụng điện như khả năng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong tương lai, khả năng thâm nhập của các phương tiện giao thông sử dụng điện năng, tác động của các chương trình quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải...

Việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong Quy hoạch điện VIII.
 
Nguồn: http://www.erea.gov.vn/d6/vi-VN/news/Quy-hoach-dien-VIII-Uu-tien-phat-trien-nang-luong-tai-tao-6-1322-110

Tin cùng chuyên mục

Zalo