Tin ngành

Tin ngành

Thuế carbon là gì, vai trò của thuế carbon trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính - nguyên nhân làm Trái đất nóng lên và gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Bài viết đánh giá tính khả thi của việc áp dụng thuế carbon ở Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị nhằm tiến tới triển khai thuế carbon ở Việt Nam.

1. Thuế carbon là gì?

Nhiên liệu hóa thạch là các loại nhiên liệu được tạo thành bởi quá trình phân hủy kỵ khí của các sinh vật chết bị chôn vùi cách đây hơn 300 triệu năm. Cụ thể là thực vật phù du và động vật phù du lắng đọng xuống đáy biển (hồ) với số lượng lớn, trong điều kiện thiếu oxy và trải qua thời gian địa chất, các hợp chất hữu cơ này trộn với bùn và bị chôn vùi bên dưới các lớp trầm tích nặng, chịu tác động của nhiệt độ và áp suất cao làm cho các vật chất hữu cơ bị biến đổi hóa học, tạo thành các nhiên liệu hóa thạch. Các loại nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá,... có chứa hàm lượng cacbon và hydrocacbon rất cao. Chúng được đốt cháy để tạo ra năng lượng phục vụ cho các hoạt động khác nhau của con người.[1] Tuy nhiên, quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch tạo ra carbon dioxide (CO2), 01 tấn carbon có trong dầu mỏ, than đá, khí tự nhiên,… khi cháy sẽ thải ra tương đương 3,7 tấn CO2[2], là một trong tác nhân gây ra hiệu ứng khí nhà kính, làm cho nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng lên.

 Thuế carbon là loại thuế áp dụng đối với lượng khí CO2 phát thải của quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Cơ sở nền tảng của việc áp dụng thuế carbon là đưa ra chi phí bổ sung cho mỗi tấn CO2 phát thải vào khí quyển nhằm mục đích nội hóa các chi phí ngoại tác do phát thải CO2 gây ra cho xã hội. Thuế carbon sẽ được tính toán để bù đắp những phí tổn xã hội của việc phát thải CO2 như chi phí khắc phục sự cố môi trường.[3] Nói cách khác, thuế carbon được thiết kế để giảm thiểu hoặc loại bỏ các ngoại ứng tiêu cực từ việc phát thải CO2.  

Thuế carbon được nhận diện thông qua các đặc trưng cơ bản sau đây:

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế. Đối tượng chịu thuế carbon phổ biến là các loại nhiên liệu hóa thạch được sử dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống như dầu thô, than đá, khí gaz tự nhiên,…

Thứ hai, về chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế carbon. Người có nghĩa vụ nộp thuế carbon thường là chủ thể bán nhiên liệu hóa thạch vào thị trường để tiêu thụ tức là các tổ chức, cá nhân có hành vi nhập khẩu hoặc khai thác nhiên liệu hóa thạch.[4] Tiền thuế carbon là một bộ phận cấu thành trong giá bán nguyên liệu hóa thạch. Các chủ thể sử dụng (tiêu dùng) nhiên liệu hóa thạch là người trả tiền thuế carbon. Như vậy, về bản chất, thuế carbon chính là một loại thuế gián thu.

Thứ ba, về thuế suất. Mục tiêu của thuế carbon là nhằm bù đắp các chi phí ngoại tác tiêu cực do phát thải CO2 gây ra, nên thuế suất được tính toán căn cứ vào mức thiệt hại mà một đơn vị khí CO2, thường là 01 tấn, gây ra khi phát thải vào môi trường. Theo đó, thuế suất của thuế carbon được xác định bằng một số tiền tuyệt đối trên đơn vị 01 tấn CO2. Đây chính là giá cả của việc phát thải CO2. Khi lượng CO2  phát thải càng tăng, số tiền thuế carbon phải nộp càng cao và ngược lại.

Thứ tư, về cơ chế miễn, giảm thuế carbon. Hiện nay, nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu trên thế giới. Không những thế, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn có xu hướng tăng lên, do gia tăng dân số toàn cầu và yêu cầu sử dụng năng lượng để phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, việc đánh thuế carbon có thể gây ra những cản trở nhất định cho các hoạt động kinh tế, vì làm gia tăng chi phí đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Do vậy, áp dụng thuế carbon nhằm giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế, nhưng đồng thời phải có những hỗ trợ, ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề nhất định để không cản trở quá trình phát triển của kinh tế - xã hội. Theo đó, các trường hợp được xem xét miễn, giảm thuế carbon thường là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nhà máy điện có quy mô nhỏ, các ngành nghề có nguy cơ rò rỉ carbon cao[5], các nhóm dân cư có mức thu nhập thấp trong xã hội dễ chịu “tổn thương” bởi thuế carbon.

Thứ năm, về mục đích sử dụng nguồn thu từ thuế carbon. Xuất phát từ bản chất của thuế carbon là nhằm để bù đắp những phí tổn xã hội do việc phát thải CO2 gây ra, tiền thuế carbon được sử dụng vào việc giảm thiểu hiện tượng nóng lên toàn cầu, thúc đẩy bảo tồn năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng “xanh”. Ở nhiều nước, một phần thuế carbon còn được sử dụng để trợ cấp cho người nghèo, là đối tượng dễ bị tổn thương bởi thuế carbon do người tiêu dùng có thu nhập thấp thường phải chi tiêu nhiều hơn cho việc tiêu dùng nhiên liệu hoặc mua các sản phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng.[6]  

2. Vai trò của thuế carbon trong giảm phát thải khí nhà kính

Thuế carbon với các đặc trưng như đã trình bày ở phần trên chính là một công cụ kinh tế nhằm cụ thể hoá nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”[7], có vai trò rất quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể, vai trò này của thuế carbon thể hiện thông qua các khía cạnh sau đây:

Thứ nhất, thuế carbon góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc làm thay đổi hành vi sử dụng nhiên liệu hoá thạch của người phát thải. Thuế carbon điều tiết vào hành vi phát thải CO2 vào môi trường. Theo đó, các doanh nghiệp than, dầu, khí gaz, ngành điện,… là các chủ thể có lượng phát thải CO2 rất lớn sẽ chịu tác động trực tiếp của thuế carbon. Việc phải nộp thuế carbon căn cứ vào lượng CO2 phát thải làm gia tăng tỷ trọng chi phí năng lượng trên tổng chi phí sản xuất, các doanh nghiệp buộc phải tìm ra những cách thức mới để giảm việc sử dụng hoặc sử dụng nhiên liệu hóa thạch một cách hiệu quả hơn, nhằm giảm chi phí, tối ưu hóa thu nhập. Hành vi ứng xử này của doanh nghiệp nói riêng và các chủ thể sử dụng nhiên liệu hóa thạch khác sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

Thứ hai, thuế carbon có vai trò thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió,...) Như đã phân tích, đánh thuế carbon lên việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch làm chi phí năng lượng tăng lên, thu nhập giảm xuống. Để tối ưu hóa thu nhập, bên cạnh việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng có thể cũng dẫn đến việc giảm sút năng suất. Về lâu dài, các chủ thể sử dụng nhiên liệu hóa thạch buộc phải đổi mới phương thức sử dụng nhiên liệu, tiến tới sử dụng công nghệ hiện đại hơn, thân thiện hơn với môi trường, hoặc tìm kiếm những nguồn năng lượng sạch thay thế cho năng lượng hóa thạch. Năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo chính là nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Thứ ba, thuế carbon góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu về môi trường, khuyến khích tăng trưởng xanh. Việc thúc đẩy đầu tư, sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo là rất quan trọng nhằm hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, việc này cần phải có nguồn tài chính lớn để thực hiện. Dưới góc độ kinh tế, nhiều quốc gia thường tiến hành huy động các nguồn lực tài chính tư nhân thông qua quy định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu,... đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực môi trường, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, không phải dự án đầu tư nào về môi trường cũng thu hút được nguồn vốn tư nhân bởi năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là những lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về vốn, nhân lực trình độ cao và công nghệ, máy móc hiện đại. Khi đó, thuế carbon thu từ chủ thể có hành vi phát thải khí nhà kính (người gây ô nhiễm) sẽ giúp nhà nước chủ động nguồn tài chính để chi cho nghiên cứu và phát triển quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang tái tạo.

Tóm lại, thuế carbon là một công cụ kinh tế hiệu quả trong việc thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái đất và biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, việc áp dụng thuế carbon vào thực tiễn có thành công hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điển hình là điều kiện kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách bảo vệ môi trường của từng quốc gia. Từ góc độ thuế, việc cân nhắc áp dụng thuế carbon còn phải xem xét đến sự phù hợp giữa thuế carbon và các loại thuế khác trong hệ thống thuế quốc gia nhằm tránh đánh thuế 2 lần, tạo ra gánh nặng thuế cho các hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

3. Tính khả thi của việc áp dụng thuế carbon ở Việt Nam

Tính đến tháng 06/2021, theo Ngân hàng Thế giới, có 35 quốc gia đã áp dụng thuế carbon, bao gồm Anh, Pháp, Thụy Điển, Nauy, Phần Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore,...[8] Tuy nhiên, ở Việt Nam, thuế carbon là vấn đề rất mới và hoàn toàn chưa được ghi nhận trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như trong chính sách, pháp luật về thuế, phí.

Hệ thống thuế hiện hành ở Việt Nam bao gồm 9 loại thuế, được chia làm 3 nhóm, gồm: thuế thu vào thu nhập (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân); thuế thu vào hàng hóa và dịch vụ (thuế xuất khẩu - thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng); thuế thu vào việc khai thác và sử dụng một số tài sản nhà nước (thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế tài nguyên). Trong đó, có 2 loại thuế có đối tượng chịu thuế, bao gồm những sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc từ môi trường[9] là thuế bảo vệ môi trường và thuế tài nguyên.

Thuế Tài nguyên thu vào hành vi khai thác tài nguyên thiên nhiên bao gồm khoáng sản, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, lâm sản, hải sản (trừ động vật), tài nguyên nước.[10] Số tiền thuế tài nguyên phải nộp được xác định bằng sản lượng tài nguyên khai thác nhân (x)  giá bán tài nguyên và nhân (x) với thuế suất.[11] Trong đó, mức thuế suất được quy định tương ứng với từng loại tài nguyên để thực hiện quản lý nhà nước với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên; góp phần bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường.[12] Toàn bộ số thu từ thuế tài nguyên, (trừ thuế tài nguyên đối với khai thác dầu thô là khoản thu 100% của ngân sách trung ương), được phân bổ cho ngân sách địa phương.[13] Luật Ngân sách Nhà nước hiện nay không có quy định về việc phân tách nguồn thu từ thuế tài nguyên để chi tiêu cho việc phục hồi, tái tạo môi trường tại các khu vực mà tài nguyên thiên nhiên được khai thác cũng như đảm bảo lợi ích xã hội để giảm ảnh hưởng tiêu cực của việc khai thác tài nguyên lên cộng đồng địa phương. Như vậy, dù thuế tài nguyên thu vào các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên nhưng cơ sở ban hành thuế, phương pháp tính thuế và mục tiêu của thuế không bao gồm các hoạt động kinh tế tạo ra phát thải khí nhà kính, không hướng tới việc nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, thuế tài nguyên không được xem là tương thích với thuế carbon.

Thuế bảo vệ môi trường thu vào việc sản xuất, nhập khẩu các hàng hóa khi sử dụng có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường, bao gồm xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC)[14], túi ni lông thuộc diện chịu thuế, thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng, thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.[15] Số tiền thuế bảo vệ môi trường phải nộp được xác định bằng số lượng hàng hóa nhân (x) mức thuế tuyệt đối/đơn vị hàng hóa chịu thuế.[16] Trong đó, mức thuế bảo vệ môi trường được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa chịu thuế.[17] Thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, cấu thành trong giá bán của hàng hóa chịu thuế làm cho giá bán các mặt hàng này tăng lên, từ đó tác động làm giảm tiêu thụ những hàng hoá có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường bao gồm cả nguy cơ làm gia tăng phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch như như xăng, dầu, mỡ nhờn, than đá. Như vậy, thuế bảo vệ môi trường có đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, mức thuế suất được quy định trên cơ sở cụ thể hóa nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” và phần nào đã tính đến việc thu thuế để đạt được giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Nói cách khác, thuế bảo vệ môi trường được xem là tương đồng với thuế carbon.

Tuy nhiên, mức thuế tuyệt đối của thuế bảo vệ môi trường chưa phản ánh rõ ràng giá carbon cho nên tác động của thuế tới việc giảm phát thải khí nhà kính là chưa đáng kể. Bên cạnh đó, giống như thuế tài nguyên, tiền thuế bảo vệ môi trường chưa được tách riêng khỏi nguồn thu của các cấp ngân sách để đầu tư trở lại cho lĩnh vực môi trường. Những điểm còn hạn chế này của thuế bảo vệ môi trường sẽ được khắc phục nếu thuế carbon được áp dụng. Rõ ràng là khả năng áp dụng thuế carbon vào hệ thống thuế hiện hành là hoàn toàn có cơ sở.

Bên cạnh thuế bảo vệ môi trường, các biện pháp tài chính nhằm hướng tới mục tiêu góp phần kiểm soát phát thải khí nhà kính ở Việt Nam còn có các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Phí và Lệ phí 2015, (Luật này không quy định về lệ phí môi trường)[18] và phí dịch vụ môi trường rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017.

Cụ thể, theo Danh mục phí thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường ban hành kèm theo Luật Phí và Lệ phí 2015 có một số các loại phí liên quan đến phát thải khí nhà kính (CH4, CO2 và N2O) bao gồm: phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khí thải và phí xử lý chất thải nguy hại. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật  Lâm nghiệp 2017 thì “hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh các loại dịch vụ môi trường” là một trong các loại dịch vụ môi trường rừng[19]. Đồng thời, Điểm d Khoản 2 Điều 63 Luật Lâm nghiệp 2017 quy định: “tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chi trả tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng”. Như vậy, các loại phí ở trên đều phát sinh từ việc sử dụng các dịch vụ liên quan đến môi trường và chỉ được trả khi dịch vụ trên thực tế đã được cung cấp. Quan hệ thu, trả phí được hình thành trên nguyên tắc bình đẳng, thoả thuận giữa bên cung cấp dịch vụ (bên thu phí) và bên sử dụng dịch vụ (bên trả phí).[20] Tuy nhiên, thuế carbon không phải khoản tiền mà Nhà nước thu khi cung cấp dịch vụ cho người dân mà là khoản tiền người dân có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước do có hành vi phát thải khí nhà kính vào môi trường, nhằm khắc phục hậu quả do hành vi gây ô nhiễm môi trường của mình gây ra và phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước trong lĩnh vực môi trường. Do vậy, việc áp dụng thuế carbon hoàn toàn không mâu thuẫn, xung đột hay chồng chéo lên các loại phí bảo về môi trường, vì chúng khác nhau về bản chất và cơ chế tác động trong việc làm giảm phát thải khí nhà kính.

Tóm lại, việc áp dụng thuế carbon ở Việt Nam có tính khả thi và cần thiết, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần chống biến đổi khí hậu.

4. Đề xuất phương án cụ thể nhằm triển khai áp dụng thuế carbon ở Việt Nam

Trên cơ sở kinh nghiệm áp dụng thuế carbon của một số nước trên thế giới và thực tiễn hệ thống thuế hiện hành ở Việt Nam, việc áp dụng thuế carbon ở Việt Nam có thể được thực hiện theo 1 trong 2 phương án sau đây: i) tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường hiện có; ii) ban hành thuế carbon với tư cách là một loại thuế hoàn toàn mới, độc lập trong hệ thống thuế (áp dụng song song với thuế bảo vệ môi trường).

Tuy nhiên, phương án ban hành thuế carbon với tư cách là một loại thuế độc lập có nhiều hạn chế, khó khăn như sau: Thứ nhất, thuế carbon mới sẽ phải trải qua quy trình soạn thảo, phê duyệt rất phức tạp, mất nhiều thời gian. Thứ hai, thuế carbon mới cùng tồn tại song song với thuế bảo vệ môi trường dễ gây ra tình trạnh chồng chéo giữa 2 cơ chế thuế, thậm chí có thể xảy ra tình trạng đánh thuế 2 lần do 1 phần phạm vi đối tượng chịu thuế của 2 loại thuế này là trùng nhau. Thứ ba, việc áp dụng thuế carbon mới đòi hỏi phải thiết lập được hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra (MRV) để đảm bảo kiểm kê được các phát thải chịu thuế một cách minh bạch và chính xác, là điều kiện để thu thuế đúng, đủ và phát huy vai trò của thuế carbon. Đây sẽ là một khó khăn lớn trong bối cảnh phần lớn ngành Công nghiệp ở Việt Nam chưa thiết lập MRV. Thứ tư, chi phí cho việc ban hành thuế carbon mới rất cao, bao gồm chi phí hành chính cho quy trình phê duyệt kéo dài, chi phí kỹ thuật cho việc đánh gíá trước và thiết lập hệ thống MRV cùng nhiều chi phí khác.

Chính vì vậy, trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam, phương án tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường được xem là có tính khả thi bởi vì các lý do sau: Thứ nhất, thuế carbon và thuế bảo vệ môi trường hoàn toàn tương thích với nhau. Thứ hai, việc thiết lập thuế carbon trên cơ sở thuế bảo vệ môi trường dễ đạt được sự chấp thuận hơn so với việc thiết lập và áp dụng thuế carbon như một loại thuế mới, hoàn toàn độc lập. Thứ ba, việc quản lý thuế carbon - đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế - được thực hiện trên cơ sở giữ nguyên cơ chế quản lý thuế bảo vệ môi trường như hiện nay, nên giảm được nhân lực, chi phí hành chính có liên quan, giúp cho việc áp dụng thuế carbon có tính khả thi hơn.

Hạn chế lớn nhất của phương án tích hợp thuế carbon vào thuế bảo vệ môi trường là nguồn thu từ thuế carbon sẽ không thể hạch toán riêng để chi cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Hạn chế này sẽ làm giảm vai trò của thuế carbon trong việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Tuy nhiên, điều này sẽ được khắc phục nếu Chính phủ ban hành nghị định quy định rõ về việc hạch toán riêng phần thuế carbon trong thuế bảo vệ môi trường và mục đích, phương thức sử dụng khoản thu này cho lĩnh vực môi trường.

5. Kết luận

Thuế carbon là một công cụ kinh tế hiệu quả, nhằm thúc đẩy giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, theo đó giảm phát thải khí nhà kính vào môi trường, ngăn chặn hiện tượng Trái đất nóng lên, gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Đồng thời, thuế carbon tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp góp phần bảo đảm phát triển bền vững. Tuy nhiên, thuế carbon là một công cụ kinh tế hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, còn khá xa lạ đối với hầu hết người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, việc áp dụng thuế carbon ở nước ta cần có một lộ trình cụ thể, đồng thời phải nhanh chóng hoàn thiện pháp luật tạo hàng lang pháp lý cụ thể cho việc hiện thực hóa thuế carbon.

Nguồn: Tạp chí Công Thương

Link bài viết: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thue-carbon-cong-cu-kinh-te-hieu-qua-trong-viec-thuc-day-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-99069.htm

Tin cùng chuyên mục

Zalo